CÁC BƯỚC KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH (GHGI)

  12 /03/2024

CÁC BƯỚC KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH (GHGI)

CÁC BƯỚC KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH (GHGI)

Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, tiếp sau đó ngày 18/1/2022, Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định danh mục 6 ngành phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, gồm: Năng lượng, Giao thông vận tải, Xây dựng, các quá trình công nghiệp, Nông nhiệp/Lâm nghiệp và sử dụng đất, Chất thải; đồng thời cũng nên rõ danh mục các doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thời hạn phải nộp báo cáo cũng được chỉ rõ trong nghị định 06.2022/NĐ-CP, cụ thể ngành công thương có 1662 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, ngành giao thông vận tải có 70, ngành xây dựng có 104, và 76 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Thật ra, ngược dòng lịch sử, câu chuyện về khí nhà kính, về sản xuất carbon thấp, về bán tín chỉ carbon, về cơ chế phát triển sạch (CDM) đã được nêu ra từ cách đây hơn 30 năm, và thế giới đã từng ký kết nghị định thư Montreal từ năm 1990 (và được sửa đổi nhiều lần), cũng như nghị định thư Kyoto, và ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đã có những tài liệu hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính từ năm 2006.

Tổ chức ISO cũng đã ban hành các tài liệu hướng dẫn khung về kiểm kê khí nhà kính từ 2011 (ISO14064:2011, được sửa lại vào 2018).

Không phải ngẫu nghiên mà người viết bài này đề cập đến các hướng dẫn của IPCC và tiêu chuẩn ISO14064, vì thực tế là, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc 6 lĩnh vực phải thực hiện GHGI, nếu có đọc cả ngàn lần văn bản pháp quy, thì cũng không thể hiểu rõ được từng bước cụ thể để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thực tế là chúng ta cần nắm được toàn bộ các kiến thức liên quan đến cả hướng dẫn của IPCC, ISO và văn bản pháp quy có liên quan của Việt Nam nếu muốn hiểu rõ được chủ đề này.

Để có thể hiểu và thực hiện được GHGI, chúng ta cần biết rõ một số khái niệm cốt lõi sau đây:

  • Hiện tượng ấm lên toàn cầu là gì, do đâu mà có.
  • Các loại khí nhà kính là nguyên nhân gây lên hiện tượng ấm lên toàn cầu, và theo nghị định thư Kyoto thì gồm có 6 loại cần được xem xét (CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs, SF6).
  • Hệ số chuyển đổi về tiềm năng ấm lên toàn cầu (GWP).
  • CO2 tương đương, hay CO2e.
  • Một số kiến thức vật lý phổ thông cơ bản (năng lượng, nhiệt trị, khối lượng riêng,…) cho đến những khái niệm phức tạp hơn nhiều lần (như hệ số phát thải khi đốt nhiên liệu hóa thạch, hệ số phát thải của lưới điện của từng quốc gia ở đây là của Việt Nam, hệ số chuyển đổi về tiềm năng ấm lên toàn cầu,…), có khá nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đã lấy nhầm hệ số phát thải của lưới điện quốc gia của Nhật Bản.

Dưới đây là tóm tắt các bước cơ bản về GHGI:

Bước 1: Xác định rõ phạm vi/ranh giới cần thực hiện GHGI

Bước 2: Xác định các nguồn GHG và bể hấp thụ GHG

Bước 3: Lựa chọn phương pháp cho việc tính toán/định lượng khí nhà kính (chọn mô hình tính toán)

Bước 4: Thực hiện tính toán phát thải và loại bỏ GHG

Bước 5: Kiểm kê khí nhà kính của năm cơ sở

Bước 6: Đánh giá độ không đảm bảo của dữ liệu

Bước 7: Hoàn thiện báo cáo GHGI

Chúc các bạn đọc đầy đủ tài liệu có liên quan, để có thể kiểm kê được khí nhà kính của doanh nghiệp mình!

Nguyễn Tất Thắng, Công ty tư vấn ECO.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN