Giới thiệu tiêu chuẩn SA 8000
01 /12/2016
Giới thiệu về SA8000
Tổ chức trách nhiệm xã hội quốc tế, tên viết tắt tiếng Anh là SAI, là một tổ chức quốc tế có trụ sở tại New York (Mỹ) ra đời năm 1997 với tôn chỉ hoạt động là thúc đẩy các hoạt động thân thiện với người lao động trong doanh nghiệp và để doanh nghiệp nhận thức được rằng, khách hàng ngày nay đã trở nên thông minh hơn, có đạo đức tiêu dùng thân thiện hơn với chính những người lao động đã sản xuất ra các sản phẩm bán tới tay họ.
Trong năm ra đời của mình, SAI đã ban hành một tiêu chuẩn với tiêu đề SA8000 – trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn này được chỉnh sửa lần thứ nhất vào năm 2008, phiên bản mới nhất được ban hành năm 2014. Trong cả phiên bản năm 1997, 2008 và 2014, tiêu chuẩn đều đưa ra các yêu cầu mà một doanh nghiệp không được làm nếu muốn chứng minh với khách hàng rằng mình đang đối xử đúng luật, công bằng, thân thiện với người lao động.
Tiêu chuẩn SA8000:2008, SA8000:2014 đưa ra các điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp liên quan đến các nội dung:
- Sử dụng lao động trẻ em
- Lao động cưỡng bức
- Sức khỏe và an toàn của người lao động
- Tự do liên kết và quyền thỏa thuận tập thể của người lao động
- Phân biệt đối xử
- Áp dụng kỷ luật
- Thời gian làm việc
- Tiền lương
- Các vấn đề quản lý hệ thống đối với trách nhiệm xã hội
Tiêu chuẩn này được truyền bá và áp dụng vào Việt nam trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới, tập trung vào các doanh nghiệp dệt may.
Hiện nay, một số thị trường khó tính nơi khách hàng có các đòi hỏi khắt khe không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó phải thân thiện với người lao động hoặc thân thiện với môi trường, đều yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn SA8000. Khách hàng nơi đó đặc biệt chú ý tới các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động (đặc biệt lao động nữ) như dệt may, giầy da, điện tử.